Tìm kiếm tin tức
Liên kết website dạng danh sách
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM.
Ngày cập nhật 15/09/2020

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của chiến sĩ cộng sản đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc; góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đại tướng có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

 

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của chiến sĩ cộng sản đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc; góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đại tướng có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

 1. Người cộng sản kiên cường 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước.

Năm 1925, khi còn là học sinh, sinh viên, sớm được tiếp thu tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp bắt đầu hoạt động cách mạng, tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế; năm 1927, đồng chí gia nhập Đảng Tân Việt - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; năm 1930, tham gia phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, đồng chí được trả tự do.

Năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11 năm 1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến. Tháng 12 năm 1944, đồng chí được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên các cương vị là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, Đồng chí đã tham gia cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước hoà bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1978), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

2. Người xây dựng và lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam

Công lao và cống hiến xuất sắc, nổi bật nhất của đồng chí Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam thể hiện trên lĩnh vực quân sự với những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí đã trở thành một trong những danh tướng tài năng nhất của thế kỷ XX, một nhà chính trị đi trước nhà quân sự, một cây đại thụ rợp bóng nhân văn.

Là một nhà chiến lược quân sự thiên tài, đồng chí đã hoạch định chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh -lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam giành chiến thắng trước những kẻ thù mạnh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng chí được các học giả phương Tây tôn vinh là bậc thầy quân sự Việt Nam, cuộc đời đã trở thành huyền thoại, có thể biến những cái không thể thành có thể, tên tuổi của đồng chí gắn liền với chiến thắng có ý nghĩa quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam - chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng thọ nhất trên thế giới, được phong tướng lúc tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi) để lãnh đạo quân đội làm tròn sứ mệnh nhân dân giao phó là thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị ở cấp cao nhất, trong đó có 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, đồng chí có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quân đội và trong nhân dân, được coi là Người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

3. Những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, báo chí, ngoại giao, lịch sử…

Võ Nguyên Giáp là một tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc, đồng chí không chỉ là một Đại tướng lừng lẫy của quân đội nhân dân Việt Nam mà trong các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử… đồng chí đều có nhiều đóng góp quan trọng. Đại tướng là con người Văn - Võ song toàn.

Trên lĩnh vực báo chí, Võ Nguyên Giáp là một nhà báo chính luận xuất sắc. Ngày 24-3-1927, bài báo đầu tiên của đồng chí bằng tiếng Pháp được gửi đăng trên tờ báo L’ Annam của Luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn làm chủ nhiệm với tựa đề “Đả đảo tên tiểu bạo chúa ở trường Quốc học!”(1), lúc đó đồng chí 16 tuổi, học khóa đệ nhị niên tại trường Quốc Học tại Huế.

Trên lĩnh vực ngoại giao, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945,  đất nước đứng trước những khó khăn bộn bề của nước Cộng hòa non trẻ, vận mệnh dân tộc được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (bao gồm nội chính và công an) được Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này là Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) giao cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt như tiếp xúc với Phái bộ Mỹ mới sang Việt Nam cùng những người Pháp trong máy bay, hay cuộc “chạm trán” với Sainteny tại phòng lớn của Phủ Toàn quyền, chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6-3-1946, cũng như gặp gỡ tướng Leclerc sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, hay cuộc đấu trí và đấu lý ở Hội nghị Đà Lạt… Đồng chí đã không bỏ một cơ hội hòa bình nào, chỉ khi nào hòa đàm không xong, đồng chí mới phải chọn giải pháp đấu tranh bằng vũ lực để giữ vững đến cùng mục tiêu cao cả: độc lập và thống nhất đất nước.

4. Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với những cống hiến xuất sắc cho cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã tôn vinh đồng chí là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời và sự nghiệp Võ Nguyên Giáp, năm 1940 là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời khi lần đầu tiên đồng chí được trực tiếp gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc. Đấy là sự gặp gỡ của hai con người vĩ đại, có gì đó thân quen ngay từ giọng nói, tác phong và từ phút đầu đồng chí đã cảm thấy như đã được gần gũi, quen Người từ lâu. Từ đó, Bác Hồ luôn thường trực trong trái tim đồng chí và khi được sống và làm việc cạnh Người, được Người dìu dắt và trao cho nhiều trọng trách của đất nước trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao...

Là người học trò gần gũi và gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm, Võ Nguyên Giáp là một trong những người sớm nghiên cứu và viết về Người. Viết về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh là một chủ đề lớn được đồng chí quan tâm và có nhiều đóng góp quý báu, đặc biệt đã góp phần xây dựng nền móng cho bộ môn khoa học Hồ Chí Minh học. Cùng với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta như các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh…, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

5. Nhân cách đạo đức trong sáng, cao đẹp

Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho nghèo của miền Trung, truyền thống gia đình và quê hương là cái nôi hình thành nhân cách đồng chí với những đức tính yêu nước, hiếu học, cần cù, thông minh, sáng tạo, khắc khổ trong sinh hoạt,kiên trung mà nhân ái; cương trực, dũng cảm mà độ lượng,khoan dung.... Trên con đường hoạt động cách mạng, được may mắn sống và hoạt động bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương, nhân cách đạo đức của Người đã có ảnh hưởng đặc biệt giúp đồng chí hoàn thiện nhân cách của mình - nhân cách của một người cách mạng và sau này là nhân cách của người Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời Đại tướng là tấm gương của một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung, tấm gương đó đã được ghi tạc vào lòng nhân dân và tỏa sáng. Danh hiệu dành cho Đại tướng “vị tướng của nhân dân” vô cùng cao quý và không một danh hiệu nào có thể so sánh được, nó sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng và những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được khắc sâu trong lòng nhân dân. Trong lời điếu trong Lễ quốc tang của đồng chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”./.

Hồ Quỳnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 125.186
Truy cập hiện tại 270