Tìm kiếm tin tức
Liên kết website dạng danh sách
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố

Quyết định Ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 14/11/2023

Ngày 13/11/2023 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  ban hành Quyết định số 60/2023/QĐ-UBND về Ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2023.

Hành lang bảo vệ bờ biển

1. Hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế là dải đất ven biển được thiết lập tại 19 khu vực (24 đoạn) theo Quyết định số 2935/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2022 của UBND tỉnh Phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế gồm ranh giới trong và ranh giới ngoài được quy định tại Quyết định số 902/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2023 của UBND tỉnh Phê duyệt Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển

1. Mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

a) Mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển được dùng để xác định ranh giới trong của hành lang bảo vệ bờ biển trên thực địa, được cắm dọc trên đường ranh giới trong hành lang bảo vệ bờ biển, trường hợp không cắm được mốc trên đường ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển thì cắm ở một bên đường ranh giới, tại vị trí thuận lợi, ổn định và gần đường ranh giới nhất và được thể hiện chi tiết trong hồ sơ mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển.

b) Mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển bao gồm phần đế mốc và thân mốc; mặt mốc được gắn tim sứ và có khắc chữ chìm số hiệu mốc là tên viết tắt đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn, tên viết tắt của cấp huyện/thành phố, tên viết tắt của tỉnh và số thứ tự mốc; thân mốc khắc chìm dòng ghi chú “MỐC GIỚI HLBVBB” hướng về phía biển và phía đất liền.

2. Hồ sơ mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển (theo xã, phường, thị trấn) bao gồm:

a) Bản đồ mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển, tỷ lệ 1/10.000, hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục 1070, múi chiếu 30;

b) Sơ đồ vị trí mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển;

c) Bảng thống kê các vị trí mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển.

3. Quản lý mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển

a) Nghiêm cấm các hành vi dịch chuyển vị trí mốc giới trái phép, hành vi phá hoại, làm hư hỏng mốc giới.

b) Mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển phải được kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hằng năm và có phương án khôi phục mốc giới khi bị hư hỏng, đảm bảo đúng quy cách mốc giới và vị trí mốc giới theo hồ sơ được lưu giữ.

Các hoạt động bị nghiêm cấm, bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển

1. Các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển được quy định tại Điều 24 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển được quy định tại Điều 25 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Điều 41 Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Lưu giữ hồ sơ hành lang bảo vệ bờ biển và hồ sơ mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển; cung cấp tài liệu, số liệu liên quan cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức quản lý hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Quy định này;

c) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển;

d) Hàng năm, tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển và tổ chức khôi phục các mốc bị hư hỏng;

đ) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển;

e) Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển trong các trường hợp được quy định tại Điều 40 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP;

g) Định kỳ hằng năm, báo cáo UBND tỉnh kết quả công tác quản lý hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định.

2. Sở Tài chính:

Trên cơ sở nhu cầu và đề xuất kinh phí của các cơ quan, đơn vị có liên quan và căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Các sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Quy định này.

Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố ven biển

1. Tổ chức quản lý hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Quy định này;

2. Định kỳ hàng năm báo cáo về công tác quản lý hành lang bảo vệ bờ biển của địa phương mình về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 25 tháng 12 của năm báo cáo để theo dõi, tổng hợp.

Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn ven biển nơi có hành lang bảo vệ bờ biển

1. Tổ chức quản lý hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Khoản 3 Điều 43 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Quy định này;

2. Niêm yết công khai bản đồ thể hiện ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn;

3. Định kỳ hàng năm báo cáo về công tác quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển về UBND cấp huyện trước ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo để theo dõi, tổng hợp.

 Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển phải tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Quy định này

 

Tập tin đính kèm:
Ái Bình
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 117.962
Truy cập hiện tại 8