Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024. Đây được xem là đạo luật giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai và có mối quan hệ đối với rất nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật. Quá trình triển khai thực hiện được kỳ vọng sẽ sớm đi vào cuộc sống, giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển.
Để thông qua Luật Đất đai 2024, Quốc hội đã xem xét trên cơ sở chính trị và thực tiễn, đã cho ý kiến qua 3 kỳ họp và lắng nghe hàng triệu ý kiến góp ý của cử tri. Qua 9 lần sửa đổi, Luật Đất đai 2024 được Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá là đạt được 5 mục đích chính, đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách liên quan đến đất đai; tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất; cân bằng lợi ích các chủ thể trong quan hệ đất đai; phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, minh bạch; thiết lập hệ thống quản lý hiện đại, chuyển đổi số, phát huy dân chủ, hạn chế khiếu kiện về đất đai, nâng cao chất lượng về quản lý đất đai.
Luật Đất đai 2024 được bố cục mạch lạc với 16 chương, 260 điều. So với Luật Đất đai 2013 tăng 2 chương, sửa đổi, bổ sung 180 điều, bổ sung mới 78 điều, bỏ 30 điều.
Thể chế hóa chính sách pháp luật về đất đai, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 18-NQ/TW, Luật Đất đai 2024 có những nội dung mới, quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật Đất đai 2024 quy định có 7 trường hợp là người sử dụng đất, đó là tổ chức trong nước; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; cộng đồng dân cư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Quy định về phân loại đất theo 3 nhóm chính, bao gồm: đất nông nghiệp (7 loại), có bổ sung đất chăn nuôi tập trung; đất phi nông nghiệp (10 loại), có bổ sung đất công trình cấp nước, thoát nước, công trình phòng chống thiên tai, đất công nghệ thông tin, đất chợ đầu mối, đất cơ sở lưu trữ tro cốt và đất chưa sử dụng (chưa xác định mục đích sử dụng, đất chưa giao, chưa cho thuê).
Về quyền hạn và trách nhiệm nhà nước; quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai cũng đã có quy định cụ thể. Trong đó, có quy định về trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Luật quy định rõ về quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê, về nhận chuyển nhượng đất lúa, chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp…
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật nêu 10 nguyên tắc nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và quy hoạch cấp cao hơn phải được quyết định, phê duyệt trước. Luật quy định 5 loại quy hoạch (quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, quốc phòng, an ninh) và quy định rõ về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Về thu hồi, trưng dụng đất, Luật quy định rõ việc thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng; các dự án vùng phụ cận kết nối giao thông, thực hiện hoạt động lấn biển, sử dụng công trình trên mặt đất phục vụ sử dụng công trình ngầm; các dự án lĩnh vực xã hội: văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, khoa học công nghệ.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Luật quy định có 4 hình thức bồi thường (bằng đất cùng mục đích sử dụng, đất khác, bằng tiền, bằng nhà ở), có bổ sung bồi thường tài sản gắn liền với đất, bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi. Tái định cư phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và ưu tiên chọn vị trí thuận lợi, linh hoạt trong lựa chọn phương án, cũng như có cơ chế thưởng cho người bàn giao đất trước thời hạn.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Luật quy định rõ các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất; các trường hợp có thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần; cho thuê đất, giao đất không đấu giá, đấu thầu và giao đất, cho thuê đất có đấu giá, đấu thầu.
Luật Đất đai 2024 quy định rõ về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, tài chính về đất đai, giá đất, bảng giá đất (không quy định khung giá đất). Quy định có 9 khoản thu ngân sách từ đất đai, chính sách ổn định tiền thuê đất hàng năm, chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Quy định về các phương pháp định giá đất. Bảng giá đất lần đầu công bố và thực hiện từ 1/1/2026 do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định, hàng năm có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để áp dụng từ ngày 01/01 của năm tiếp theo..
Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân (Luật Đất đai 2013 quy định không quá 10 lần).
Luật quy định về chế độ sử dụng đất, về hoạt động lấn biển… Quy định về 5 nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, về giám sát và điều khoản thi hành, trong đó, nói rõ các điều khoản chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về thu hồi đất, giao đất, hồ sơ địa chính, về tài chính…
Với tính chất đặc biệt và phức tạp của Luật Đất đai, công tác tổ chức triển khai thực hiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhiều vấn đề của Luật Đất đai 2024 được giao cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành hướng dẫn thi hành. Có 20 điều quy định sẽ được cụ thể hóa bởi HĐND và UBND cấp tỉnh. Tin rằng, tất cả sẽ làm việc khẩn trương, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, với tinh thần trách nhiệm cao nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển.
Nguồn: https://congan.com.vn