NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO NĂM 2016
Luật tín ngưỡng, tôn giáo gồm 09 chương, 08 mục và 68 điều:
1. Chương I: Những quy định chung: Chương này gồm 05 điều, từ Điều 1 đến Điều 5 quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hành vi bị nghiêm cấm.
1.1. Về phạm vi điều chỉnh
Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
1.2. Giải thích từ ngữ
Luật đã bỏ một số từ ngữ được sử dụng tại Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo như tổ chức tôn giáo cơ sở, hội đoàn tôn giáo (mang tính chuyên biệt của một tôn giáo). Luật kế thừa nhưng sửa đổi, bổ sung nội hàm của một số từ ngữ đã được quy định tại Pháp lệnh (hoạt động tín ngưỡng, cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, hoạt động tôn giáo, cơ sở tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc) và bổ sung nhiều từ ngữ mới được sử dụng thường xuyên (tín ngưỡng, tôn giáo, chức việc, sinh hoạt tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, địa điểm hợp pháp, người đại diện).
1.3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm: (i) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (ii) Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân; (iii) Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
1.4. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.