Tìm kiếm tin tức
Liên kết website dạng danh sách
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người cán bộ xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 27/12/2023

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người cán bộ xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 14 tuổi, đang học lớp Nhất bậc tiểu học, người cha không may bị bệnh qua đời, Nguyễn Vịnh bỏ lỡ việc học, đi làm thuê kiếm sống và giúp mẹ nuôi em. Là người cương trực, cần cù lao động, thích những điệu hò Huế, ngay từ rất sớm, Nguyễn Vịnh đã bộc lộ khả năng tập hợp, đoàn kết được những người lao động đấu tranh phản đối thói coi thường người nghèo và trả lương rẻ mạt của địa chủ. Ham hiểu biết, Nguyễn Vịnh thường tìm đến những gia đình có mua sách, đặt báo để mượn xem. Những tờ báo xuất bản ở Huế lúc đó như: Tiếng Dân, Dân..., những cuốn sách chính trị - xã hội có bán ở hiệu sách đồng thời là địa điểm liên lạc bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ như: Thuận Hóa, Hương Giang... thu hút sự chú ý của Nguyễn Vịnh. Ở đây, Nguyễn Vịnh được các anh: Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, những chiến sỹ cộng sản kiên cường của Đảng trực tiếp giác ngộ, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng. Từ một người thanh niên yêu nước, ghét thói bất công, Nguyễn Vịnh tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người cách mạng với mong muốn mọi người dân cần lao, trong đó có người thân của mình thoát khỏi sự đói khổ, bất công. Vốn nhanh nhẹn, thông minh, Nguyễn Vịnh hiểu và thực hiện tốt những việc đoàn thể giao. Năm 1937, Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tham dự sinh hoạt chi bộ làng Niêm Phò. Năm 1938, Nguyễn Vịnh là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên lãnh đạo nhân dân địa phương đấu tranh chống việc tăng thuế của chính quyền. Năm đó, anh mới tròn 24 tuổi

Từ tháng 7/1938 đến đầu năm 1945, lấy cớ hoạt động Cộng sản, gây phiến loạn, ba lần Nguyễn Vịnh bị địch bắt và giam ở các nhà lao: Thừa Phủ, Lao Bảo, Ban Mê Thuột. Bị kiểm soát gắt gao nhưng đã hai lần, Nguyễn Vịnh vượt ngục về với phong trào. Đầu năm 1945, trốn thoát khỏi nhà tù Ban Mê Thuột, Nguyễn Vịnh bắt liên lạc với phong trào và hoạt động bí mật ở Nam Trung Bộ. Tháng 8 năm 1945, Nguyễn Vịnh là đại biểu dự Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Tại đây, Nguyễn Vịnh đã được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trước khi nghe báo cáo công việc, Bác hỏi Nguyễn Vịnh: “Này, Huế ta bây chừ sen có đẹp hơn, hội thả diều có vui hơn cái thời anh em mình theo cha mẹ vô sống và học trong đó không?” Sau này, Nguyễn Vịnh đã nhiều lần nhắc lại với người thân những giờ phút “nhớ đời” ấy.

Tại hội nghị cán bộ của Đảng, Nguyễn Vịnh tham gia Ban Chấp hành Trung ương, được cử trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ và phụ trách công tác Lào. Để giữ bí mật, Đảng và Bác Hồ bí mật đặt tên cho ông là Nguyễn Chí Thanh[1]. Khi công bố danh sách Trung ương mới, đồng chí Tống (Phạm Văn Đồng) thông báo Nguyễn Chí Thanh là tên của Vịnh trong Đảng. Trở về Huế trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đại diện Việt Minh ở Trung bộ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ đạo các công việc cấp bách ở Trung Kỳ.Theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông gặp gỡ trao đổi với Hoàng thân Xuphanuvông (Lào) tổ chức đưa Hoàng thân về Lào tham gia chính phủ mới được thành lập.Từ năm 1945 - 1948, là người đứng mũi chịu sào với sự can trường, quyết đoán, sáng tạo, bình tĩnh, lạc quan, niềm tin tuyệt đối vào nhân dân, tên tuổi Nguyễn Chí Thanh đã gắn với giai đoạn quyết liệt nhất của vùng đất “Bình Trị Thiên khói lửa”

Cuối năm 1948, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu làm Bí thư Liên khu IV. Cuối năm 1949, đồng chí được gọi ra Việt Bắc tăng cường cán bộ lãnh đạo cho các cơ quan Trung ương. Gặp người cán bộ “thật thà, gan góc, kiên quyết” của chiến trường Bình Trị Thiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi Nguyễn Chí Thanh là “Ông tướng du kích”[2]. Trong một lần làm việc với các đồng chí Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Huấn luyện Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc: Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nhớ lời Bác Hồ dặn: “Mở lớp nào cho ra lớp ấy. Lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận”. Nguyễn Chí Thanh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 122/SL bổ nhiệm Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 9/1950, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chỉ đạo chiến dịch Biên giới. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Chí Thanh tham gia một chiến dịch quân sự với tư cách là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Chiến dịch Biên giới thắng lợi. Khi đó ông mới tròn 36 tuổi.

Tại Đại hội II của Đảng, Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã tổ chức và chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội theo hướng tăng cường vai trò lãnh đạo tạo ra sức mạnh chiến đấu mới cho lực lượng vũ trang. Sự nhạy cảm của người có tư chất “làm tướng” đã giúp Nguyễn Chí Thanh phát hiện và đưa công tác chính trị tư tưởng trong lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng lên tầm cao mới, tạo ra một bước chuyển trong nhận thức và hoạt động chiến đấu và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, nhân dân cả hai miền Nam Bắc bước vào thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với những đồng chí của mình, Nguyễn Chí Thanh đã luôn bình tĩnh, tự tin, cương quyết và vận dụng đường lối của Đảng sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn. Sống rất tình nghĩa với đồng chí anh em nhưng Nguyễn Chí Thanh vô cùng quyết liệt khi đấu tranh với những quan điểm đi ngược lại với lợi ích của Đảng, của dân tộc.

Ngày 31/8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 36/SL phong quân hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan cao cấp của quân đội. Bác căn dặn: “Dù ở cương vị nào chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trân trọng nguyện hứa: Ra sức học tập, nâng cao trình độ, góp phần xây dựng quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình. Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, rèn luyện tác phong khiêm tốn, giản dị, đoàn kết, thắt chặt đoàn kết giữa quân đội và nhân dân làm tròn trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trao cho[3].

Suốt cuộc đời của mình Nguyễn Chí Thanh luôn giữ vững nguyên tắc lời nói đi đôi với việc làm: Là Trưởng ban công tác Nông thôn Trung ương, đồng chí giành hết tâm huyết đi thực tế nắm đúng tình hình đề ra và trực tiếp chỉ đạo đường lối và tổ chức sản xuất tạo sự đột phá ban đầu trong lĩnh vực nông nghiệp bằng những biện pháp cụ thể đưa lại hiệu quả cao, thực sự gây dựng được niềm tin với nông dân, được họ quý mến đặt tên “ Vị tướng của nông dân”. Theo lời Bác, đồng chí tìm đến những nhân tố điển hình để phát động nhân rộng phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực: Đại Phong trong sản xuất nông nghiệp, Ba Nhất trong quân đội, Duyên Hải trong công nghiệp, Bắc Lý trong giáo dục trên toàn miền Bắc.

Tháng 3/1964, sau Hội nghị Chính trị đặc biệt, “Hội nghị Diên Hồng” trong thời đại Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta khẳng định ý chí quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Cả nước bừng lên khí thế cách mạng mới. Trăn trở với tình hình miền Nam, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 25/9/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Toàn Đảng toàn dân tập trung mọi khả năng để giành một bước thắng lợi quyết định”[4] Đặc biệt Người lưu ý: “Thời gian qua chưa tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị cho miền Nam, nay tình hình cấp bách không đi không được”[5]. Tại Hội nghị, hiểu rõ tinh thần của Bác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ động xin đi chiến trường. Được tập thể Bộ Chính trị nhất trí, Đại tướng đã cùng một số tướng lĩnh quân đội có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu tăng cường cho chiến trường. Đây là quyết định thể hiện quyết tâm và niềm tin của Bác Hồ, của Bộ Chính trị với vị tướng văn võ song toàn. Cử Nguyễn Chí Thanh là người mang cấp hàm cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ phần nào thể hiện bản lĩnh, ý chí và quyết tâm chiến lược thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược của toàn Đảng, toàn dân ta. Trong buổi gặp mặt chia tay với đoàn cán bộ trước lúc lên đường, Bác nhắn nhủ “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ càng khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: Bác Hồ luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”.

Tháng 1/1965, Hội nghị Trung ương Cục được triệu tập dưới sự chủ trì của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đưa ra những quyết sách để thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng miền Nam trong tình hình mới. Những trận thắng liên tục và giòn giã: Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài đã làm tiền đề cho phong trào “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Hàng loạt bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với các bút danh: Trường Sơn, Người quan sát, S.K.Z…từ chiến trường gửi ra: “Chuẩn bị đạp tan âm mưu Mỹ”; “Ai thắng ai”; “Hoan hô chiến thắng Plâycu, Bình Giã, Phú Mỹ, Quảng Nam”; “Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng quyết thắng giặc Mỹ”; “Đạp tan âm mưu chiến lược của Giôn xơn ở miền Nam”... không chỉ phân tích sâu sắc cục diện chiến trường miền Nam với cách nhìn “trong cuộc” của một nhà quân sự chiến lược mà còn khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của nhân dân miền Nam đã làm nức lòng đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế.

Trong lần ra miền Bắc cuối năm 1966, đến Tết Nguyên Đán năm 1967, như thường lệ Bác Hồ tổ chức ăn Tết trước cho cán bộ cơ quan. Khách mời gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng dự, không ai nghĩ đấy là lần cuối Đại tướng vui Tết cùng cơ quan Bác Hồ. Cuối tháng 6/1967, việc chuẩn bị đã xong. Vài giờ trước lúc lên đường trở lại chiến trường, Đại tướng bất ngờ bị tắc động mạch vành tim, đột ngột từ trần sáng ngày 6/7/1967.

Nhật ký công việc hàng ngày của Bác do văn phòng ghi tóm tắt nay còn lưu lại cho thấy những ngày cuối cùng của Bác với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “ Ngày 3/7/1967, buổi chiều, từ 17giờ 30 đến 19 giờ, Bác cho mời đồng chí Thanh sang ăn cơm với anh Tô”

“ Ngày 5/7/1967, buổi tối lúc 19 giờ 30, anh Thanh sang chào Bác mai đi sớm. Lên nhà sàn. Xúc động nhiều. Nấn ná”

“ Ngày 6/7/1967, sáng sớm thứ 5 , tin anh Thanh tắc động mạch vành tim, 3 giờ sáng phải mổ cấp cứu. 6 giờ 30 Bác bảo hỏi tin anh Thanh. 9 giờ anh Tô lên nhà báo anh Thanh bị cảm nặng chưa đi được. 16 giờ, anh Thọ sang báo cáo tin chính thức Anh Thanh đã mất. Lặng điếng!

20 giờ, Bác cùng anh Tô sang viếng đồng chí Thanh quàn tại Câu lạc bộ Quân nhân”

“ Ngày 8/7/1967, thứ bảy, 10 giờ sáng Bác bảo đến thăm chị Thanh và gia đình”

“ Ngày 11/7/1967, 18 giờ Bác mời gia đình anh Thanh sang cùng ăn cơm. Bà Cụ, chị Thanh và 4 cháu”

Từ đó, hàng năm đều đặn Bác Hồ cho mời cả gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến nhà sàn thăm hỏi. Qua cán bộ giúp việc, Bác nhắc theo dõi sự trưởng thành, tiến bộ của các con, thăm hỏi sức khỏe của “Mệ” - Cụ bà thân sinh và chị Nguyễn Thị Cúc vợ của Đại tướng.

Ngày 11/2/1969 (tức ngày 25 Tết âm lịch năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và mời cơm gia đình các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Sơn…Có lẽ đây là lần cuối cùng Bác gặp gia đình người cán bộ yêu quý nhất của mình.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị quân sự lỗi lạc, người cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tận tụy của nhân dân thật xứng đáng với danh hiệu “Anh bộ đội Cụ Hồ” và là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

 

 

Hồ Quỳnh (Sưu tầm)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 125.186
Truy cập hiện tại 28