Tìm kiếm tin tức
Liên kết website dạng danh sách
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố

Hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã
Ngày cập nhật 17/01/2024

Ngày 02/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 11838/UBND-NN gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương về việc hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (sau đây viết tắt là ĐVHD), một số nội dung chính cụ thể như sau:

1. Các hành vi vi phạm cần lưu ý tập trung xử lý

- Quảng cáo để kinh doanh ĐVHD; bộ phận, sản phẩm ĐVHD trái quy định của pháp luật;

- Săn bắt, giết, nuôi, nhốt ĐVHD trái quy định của pháp luật;

- Vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến ĐVHD trái pháp luật;

- Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến và gây nuôi ĐVHD;

- Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;

- Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản;

- Vi phạm quy định về thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản;

- Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

2. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, mức xử phạt và căn cứ pháp lý

a) Quảng cáo để kinh doanh ĐVHD, bộ phận, sản phẩm ĐVHD trái quy định của pháp luật

- Quảng cáo các loài động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư năm 2020 thì xử phạt theo điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (mức phạt từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng);

- Quảng cáo để kinh doanh động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật đối với các loài không thuộc Phụ lục III của Luật Đầu tư năm 2020, thì xử phạt theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 16 của Nghị định số 35/2019/NĐ- CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP (mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng).

b) Săn, bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật

Xử phạt theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP (mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng; tịch thu tang vật, dụng cụ, công cụ, phương tiện vi phạm hành chính; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường ).

c) Vận chuyển lâm sản trái pháp luật (đối với động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng)

Xử phạt theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP (mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính).

d) Tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến lâm sản trái pháp luật (đối với động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng)

Xử phạt theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP (mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng; tịch thu tang vật; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính).

đ) Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản

Xử phạt theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP (mức phạt từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng);

* Hành vi vi phạm hành chính đối với động vật hoang dã trên cạn khác thì áp dụng xử phạt như đối với động vật rừng thông thường. Trường hợp hành vi vi phạm đối với động vật hoang dã trên cạn khác trị giá từ 300.000.000 đồng trở lên thì áp dụng khung tiền phạt cao nhất như đối với động vật rừng thông thường; áp dụng hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với khung phạt đó.

e) Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm

- Đối với hành vi khai thác trái phép loài thủy sản không đảm bảo điều kiện theo quy định thuộc Nhóm II của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 42/2019/NĐ- CP (mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng; buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng, chuyển giao thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý; buộc thả bổ sung thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định).

- Đối với hành vi khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 42/2019/NĐ- CP (mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng; buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng, chuyển giao thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý; buộc thả bổ sung thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định).

g) Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản (đối với trường hợp không sử dụng tàu cá)

Xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP (mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện, ngư cụ).

h) Vi phạm quy định về thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản

- Đối với hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép loài thủy sản có tên trong Nhóm II tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP mà không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hoặc loài thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Phụ lục II CITES không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 42/2019/NĐ- CP (mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng; tịch thu tang vật vi phạm).

- Đối với hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản có tên trong Nhóm I tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP hoặc loài thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Phụ lục I CITES không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Nghị định số 42/2019/NĐ- CP (mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; tịch thu tang vật vi phạm).

- Đối với hành vi thu gom, mua bán, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật: Xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Nghị định 42/2019/NĐ- CP (mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng).

i) Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

Xử phạt theo quy định tại Điều 51 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại; buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu; buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép, trường hợp không thể tái xuất được thì buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép).

3. Các hành vi vi phạm bị xử lý hình sự

a) Buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm sản phẩm động vật loài thuộc Phụ lục I CITES hoặc Nhóm IB tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP mà không thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên (theo quy định tại Điều 190, 191 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

b) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể ĐVHD, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài thuộc Phụ lục II CITES hoặc Nhóm IIB tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP (trừ các loài thủy sản) trị giá từ 150.000.000 đồng trở lên hoặc ĐVHD khác trị giá từ 300.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên (theo quy định tại Điều 234 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

c) Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (theo quy định tại Điều 244 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

- Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 01 cá thể ĐVHD thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam trở lên.

- Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Phụ lục I CITES hoặc Nhóm IB tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP mà không thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với số lượng từ 03 cá thể lớp thú trở lên, từ 07 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc từ 10 cá thể động vật lớp khác trở lên.

- Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật thuộc Phụ lục I CITES hoặc Nhóm IB tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP mà không thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với số lượng từ 03 cá thể lớp thú trở lên, từ 07 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc từ 10 cá thể động vật lớp khác trở lên.

d) Vi phạm liên quan đến các loài thủy sản (Điều 242, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)

Khai thác trái phép thủy sản bị cấm (thuộc Nhóm I tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP); khai thác trái phép thủy sản (cả loài nguy cấp, quý, hiếm và loài thông thường) trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn hoặc sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản (cả loài nguy cấp, quý, hiếm và loài thông thường) mà gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng trở lên.

đ) Hành vi vi phạm với số lượng, khối lượng, giá trị hoặc thu lợi bất chính dưới mức quy định tại Mục 6.1, 6.2, 6.3, 6.4 nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại các Điều 190, 191, 234, 242, 244 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử lý hình sự.

4. Quy trình xác minh, xử phạt

  1. Đối với hành vi vi phạm trực tiếp phát hiện

- Trong khi thi hành công vụ, các lực lượng chức năng có thẩm quyền phát hiện dấu hiệu các hành vi vi phạm, nhanh chóng xác minh, truy truy xuất nguồn gốc, tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính và củng cố hồ sơ để xử phạt. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020.

- Quy trình lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật.

b) Xử lý vi phạm từ Đô thị thông minh Hue-S

- Hình ảnh hoặc thông tin được các cá nhân, tổ chức phản ánh qua kênh tiếp nhận của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh được Trung tâm xác minh thông tin theo quy định.

- Khi ghi nhận có hình ảnh, hoặc thông tin phản ánh vi phạm, trong thời gian không quá 01 giờ, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh gửi thông tin đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Kiểm lâm) để tiếp nhận, xác minh, phối hợp xử lý như sau:

Bước 1. Chi cục Kiểm lâm căn cứ hình ảnh, thông tin để xác định cơ quan đơn vị chủ trì xử lý, cơ quan đơn vị phối hợp thực hiện để Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh gửi về cho các đơn vị, chính quyền địa phương thực hiện. Thời gian thực hiện nội dung này không quá 01 ngày làm việc.

Bước 2. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện, tổ chức trinh sát, kiểm tra, phát hiện có tang vật vi phạm và chứng minh được hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân thì lập ngay Biên bản vi phạm hành chính.

- Tiến hành xác minh các tình tiết của vụ việc, tính chất, mức độ, đối tượng vi phạm và củng cố hồ sơ để xử lý. Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian thực hiện nội dung này không quá 06 ngày làm việc.

- Trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt, tiến hành chuyển hồ sơ vụ việc và Biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền để đề nghị ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Trong trường hợp đến thời hạn 07 ngày làm việc nhưng chưa thể ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì đơn vị thụ lý vụ việc báo cáo, thông tin cơ bản về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh để thông tin vụ việc, sau khi xử phạt xong vụ việc tiếp tục gửi kết quả về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh./.

Ngọc Mai
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 125.186
Truy cập hiện tại 22