Tìm kiếm tin tức
Liên kết website dạng danh sách
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Ngày cập nhật 25/05/2023

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU, PHỔ BIẾN

LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

 

 

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

Thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trước đây, nội dung quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở được điều chỉnh tại 4 văn bản: (i) Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; (ii) Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; (iii) Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; (iv) Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Các văn bản nêu trên đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” (chưa có nội dung dân giám sát, dân thụ hưởng), phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tại thời điểm ban hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta. Cụ thể như sau:

 - Kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã góp phần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước.

- Việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập đã làm chuyển biến về ý thức, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với Nhân dân; vai trò của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được phát huy thông qua việc đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển của cơ quan và đơn vị.  

- Thông qua thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp đã bảo đảm quyền của người lao động được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và được quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện đời sống của người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua sau khi đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, Đảng đã có nhiều chỉ đạo cụ thể liên quan đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và yêu cầu hoàn thiện thể chế về dân chủ ở cơ sở[1]; Hiến pháp năm 2013 và các luật ban hành sau Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền làm chủ và quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của Nhân dân. Đồng thời, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: (i) Nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; (ii) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, chưa đồng bộ, thống nhất, toàn diện; (iii) Trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thiếu cụ thể, thiếu chế tài xử lý; (iv) Vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân chưa rõ ràng; (v) Tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở sơ sở chưa được ghi nhận và đề cao,...

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở nêu trên, ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.



[1] Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Thông báo số 304-TB/TW ngày 22/6/2000 về kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông báo kết luận số 159-TB/TW ngày 15/11/2004 và kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 30-CT/TW

 

Tập tin đính kèm:
Phương Đông
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 125.186
Truy cập hiện tại 267