Tìm kiếm tin tức
Liên kết website dạng danh sách
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Ngày cập nhật 10/10/2023

TỔ CHỨC CUỘC HỌP, HỘI NGHỊ ĐỊNH KỲ CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ; PHÁT PHIẾU LẤY Ý KIẾN CỦA HỘ GIA ĐÌNH; BIỂU QUYẾT TRỰC TUYẾN TẠI THÔN, TỔ DÂN PHỐ ĐỂ NHÂN DÂN BÀN VÀ QUYẾT ĐỊNH; QUY TRÌNH BẦU, CHO THÔI LÀM TRƯỞNG THÔN, TỔ TRƯỞNG TỔ DÂN PHỐ

Mục 1. TỔ CHỨC CUỘC HỌP CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ; PHÁT PHIẾU LẤY Ý KIẾN CỦA HỘ GIA ĐÌNH VÀ BIỂU QUYẾT TRỰC TUYẾN TẠI THÔN, TỔ DÂN PHỐ ĐỂ NHÂN DÂN BÀN VÀ QUYẾT ĐỊNH

Điều 3. Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để Nhân dân bàn và quyết định

1. Thẩm quyền triệu tập, chủ trì và nội dung tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư

a) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố triệu tập và chủ trì tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để Nhân dân bàn và quyết định những nội dung được quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 và 6 Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

b) Tổ bầu cử (do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập) triệu tập và chủ trì cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

c) Trưởng Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố triệu tập và chủ trì cuộc họp của cộng đồng dân cư để cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố đồng thời là Trưởng Ban công tác Mặt trận thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập và chủ trì cuộc họp sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

d) Trường hợp khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ định đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố hoặc triệu tập viên là công dân có uy tín cư trú tại thôn, tổ dân phố triệu tập và tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để Nhân dân bàn và quyết định các nội dung trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này.

đ) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố ủy quyền cho một thành viên Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố hoặc một công dân có uy tín cư trú tại cụm dân cư chủ trì, điều hành cuộc họp của cụm dân cư và báo cáo kết quả với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để tổng hợp vào kết quả chung của toàn thôn, tổ dân phố.

2. Thành phần tham dự cuộc họp của cộng đồng dân cư được quy định tại khoản 1, 2 Điều 18 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc họp phải thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế để cộng đồng dân cư tham gia đầy đủ.

3. Thông tin về cuộc họp của cộng đồng dân cư (theo Mẫu số 01 kèm Nghị định này) phải được thông báo đến thành phần tham dự ít nhất 02 ngày trước khi tổ chức cuộc họp bằng một trong các hình thức sau: Giấy mời, thông báo trực tiếp đến từng hộ gia đình, qua hệ thống truyền thanh của thôn, tổ dân phố, điện thoại, các ứng dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật do thôn, tổ dân phố thống nhất thiết lập và được niêm yết công khai tại nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng của cụm, thôn, tổ dân phố.

4. Tài liệu cuộc họp để cộng đồng dân cư bàn và quyết định phải được chuẩn bị đầy đủ trước khi tổ chức cuộc họp. Đối với các nội dung thuộc khoản 1, 2, 3 Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tài liệu phục vụ cuộc họp phải được gửi đến từng hộ gia đình, cá nhân liên quan ít nhất 02 ngày trước khi cuộc họp diễn ra bằng hình thức trực tiếp hoặc qua ứng dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật do thôn, tổ dân phố thống nhất thiết lập.

5. Trình tự tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư

a) Người chủ trì cuộc họp của cộng đồng dân cư theo quy định tại khoản 1 Điều này tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; thông qua chương trình cuộc họp; giới thiệu người để cuộc họp biểu quyết cử làm thư ký cuộc họp. Thư ký cuộc họp được quyết định khi có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp giơ tay biểu quyết đồng ý.

Căn cứ nội dung cụ thể của từng cuộc họp, người chủ trì hoặc người được phân công công bố các quyết định, văn bản liên quan theo chương trình cuộc họp.

b) Người tham dự cuộc họp thảo luận về những nội dung được người chủ trì hoặc người được phân công trình bày.

Đối với cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn thì đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố giới thiệu danh sách người ứng cử do Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố đã thống nhất với cấp ủy chi bộ thôn, tổ dân phố và đề nghị đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp tự ứng cử hoặc đề cử người có đủ tiêu chuẩn điều kiện để tham gia bầu.

Kết thúc thảo luận, người chủ trì cuộc họp tổng hợp các ý kiến thảo luận, đề xuất những nội dung cần được biểu quyết và phương án biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín để người tham dự biểu quyết lựa chọn. Phương án được lựa chọn khi có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp giơ tay biểu quyết đồng ý.

c) Biểu quyết đối với những nội dung đã được thảo luận

Đối với hình thức biểu quyết giơ tay, kết quả biểu quyết được kiểm đếm ngay tại thời điểm biểu quyết và được ghi vào biên bản cuộc họp.

Đối với hình thức biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, người chủ trì cuộc họp đề xuất số lượng và danh sách Ban kiểm phiếu từ 03 đến 05 người (gồm Trưởng ban và các thành viên) để đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Ban kiểm phiếu được quyết định khi có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp giơ tay biểu quyết đồng ý.

Ban kiểm phiếu hướng dẫn thể lệ, cách ghi phiếu, bỏ phiếu và tiến hành phát phiếu.

Sau khi kết thúc bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu (Trong quá trình kiểm phiếu, Ban kiểm phiếu mời 02 đại hộ gia đình tham dự cuộc họp chứng kiến việc kiểm phiếu) và lập biên bản kiểm phiếu theo mẫu số 02 kèm theo Nghị định này. Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp. Biên bản kiểm phiếu được lập thành 03 bản và gửi kèm theo Quyết định của cộng đồng dân cư đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và lưu tại thôn, tổ dân phố.

d) Người chủ trì cuộc họp công bố kết quả biểu quyết đối với từng nội dung biểu quyết và kết luận cuộc họp. Quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng các hình thức văn bản: nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư trong đó thể hiện rõ nội dung quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trường hợp cuộc họp bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì người trúng cử ra mắt cuộc họp. Nếu không xác định được người trúng cử thì nêu rõ lý do không bầu được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong biên bản cuộc họp để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc tổ chức bầu lại.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ cuộc họp, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua (theo Mẫu số 03 kèm theo Nghị định này) phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 20 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

6. Trường hợp tổ chức cuộc họp cụm dân cư theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định phương án tổ chức cuộc họp sau khi thống nhất với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.

Phương án tổ chức cuộc họp theo từng cụm dân cư bao gồm các nội dung: số lượng cụm dân cư; người chủ trì hoặc được ủy quyền chủ trì cuộc họp từng cụm dân cư; dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức cuộc họp, phân công thực hiện, báo cáo kết quả cuộc họp từng cụm dân cư và tổng hợp vào kết quả chung của toàn thôn, tổ dân phố.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 125.186
Truy cập hiện tại 277