CHỮ KÝ SỐ VÀ DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ
Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là nhân tố cơ bản đảm bảo tính pháp lý, an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên môi trường điện tử. Trong những năm qua, các lĩnh vực áp dụng chữ ký số điển hình như: Thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước, đấu thầu và đặc biệt là hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ số an toàn, tin cậy, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chữ ký số ngày càng thể hiện tính ưu việt
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông về mặt chính sách, trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác chỉ đạo, điều hành cũng như bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng định hướng cho chuyển đổi số.
Xuyên suốt theo các chỉ đạo, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số được xác định là thành tố nền tảng pháp lý quan trọng đảm bảo an toàn, xác thực, toàn vẹn, chống chối bỏ cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong môi trường số. Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, góp phần quan trọng vào xây dựng công dân số, tạo nền tảng cho một xã hội số bền vững, tại Nghị quyết số 130/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cùng với sự phát triển của giao dịch điện tử, chữ ký số ngày càng thể hiện tính ưu việt trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí hoàn thành giao dịch nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, thể hiện đầy đủ ý nguyện của các bên giao dịch.
Chứng thư số công cộng được ứng dụng chính trong thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội…, cụ thể gồm các dịch vụ khai và nộp thuế qua mạng; kê khai hải quan điện tử và các dịch vụ bảo hiểm xã hội điện tử.
Dưới sự kêu gọi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Các doanh nghiệp tham gia cung cấp chữ ký số đã có nhiều chính sách miễn, giảm giá dịch vụ như miễn phí dịch vụ sử dụng chữ ký số từ xa cho các khách hàng cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyển; Giảm giá cho các đối tượng được ưu đãi như bác sĩ, giáo viên (với giá khoảng 50.000 đồng/năm sử dụng) để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục, y tế.
Ngoài ra, chữ ký số từ xa cũng đã có các gói cước trả trước, ký theo lượt, gói cước ngắn hạn với giá chỉ từ 300 đồng/lần ký khi thực hiện các giao dịch khác. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng thành công hệ thống kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa (eSign) theo một chuẩn giao thức chung cho phép dễ dàng kết nối giữa các CA công cộng và ứng dụng sử dụng chữ ký số, các cổng dịch vụ công thông qua API. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia hỗ trợ kết nối thành công giải pháp ký số từ xa vào cổng dịch vụ công các tỉnh/thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên và liên tục phối hợp, hỗ trợ triển khai lần lượt trên các địa phương khác theo hướng dẫn tại Công văn số 936/BTTTT-NEAC ngày 22/3/3023 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính. Đồng thời, đảm bảo thông tin không bị xóa sửa trên đường truyền; nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của các giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, chữ ký số cá nhân còn có thể ứng dụng để thay thế việc xác thực bằng mã OTP trong các giao dịch ngân hàng, tài chính, với tính bảo mật cao hơn.
“Nếu mỗi người dân có 1 định danh số và 1 chữ ký số, chúng ta tiến dần tới xã hội không giấy tờ. Theo đó, phần lớn các thủ tục có thể thực hiện qua mạng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy tương đương giấy tờ in. Khi các hoạt động kinh tế, xã hội đều được thực hiện qua mạng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, phát triển các ứng dụng số cũng như đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu số. Đó sẽ là một cuộc cách mạng về chuyển đổi số toàn diện cho tất cả người dân”.