Tìm kiếm tin tức
Liên kết website dạng danh sách
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN CÔNG AN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 21/07/2022

KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG

CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN

 CÔNG AN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ra đời. Sau đó một thời gian ngắn, tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên được thành lập, mở ra một chương mới cho lịch sử quê hương.

Cách mạng Tháng 8/1945 ở tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Trên cơ sở lực lượng tự vệ, Công an Trung bộ ra đời; đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Ủy viên Thường vụ xứ ủy Trung kỳ được cử làm Giám đốc. Trước tình hình thù trong giặc ngoài chống phá ta ráo riết, Công an Trung bộ chỉ đạo các lực lượng công an ổn định tình hình an ninh, trật tự, nghiêm trị những tên đầu sỏ có nhiều tội ác với nhân dân, vừa giác ngộ, tranh thủ số quan lại, nhân sỹ trí thức, tư sản dân tộc… phục vụ yêu cầu xây dựng chính quyền cách mạng. Nhằm giữ gìn trật tự ở các thị xã, thị trấn, ngày 20/10/1945, Ủy ban Nội vụ Trung bộ ra Quyết định số 04-QĐ về việc thành lập Đội Cảnh sát Trật tự. Riêng tại thị xã Huế, một số địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự do Công an trung bộ trực tiếp quản lý thành lập Ban Trật tự. Lực lượng Trật tự (lực lượng Cảnh sát ngày nay) có nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông, chống trộm cắp, gây rối, ủy lạo quần chúng. Tháng 12/1945, Ty Trinh sát Thừa Thiên[1] được thành lập, do đồng chí Trịnh Xuân An làm Trưởng Ty.

Thực hiện đúng sách lược ngoại giao của Chính phủ đối với tàn quân Nhật, quân Tưởng và bọn tay sai, lực lượng Cảnh sát Thừa Thiên góp phần bảo vệ và tham gia các phong trào chống giặc đói, giặc dốt, bảo vệ an toàn tuần lễ đồng, tuần lễ vàng phục vụ kháng chiến kiến quốc và bảo vệ ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của cả nước (ngày 06/01/1946).

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ đạo của Ủy ban Kháng chiến hành chính Trung bộ, lực lượng Cảnh sát Thừa Thiên cùng với các lực lượng khác hăng hái tham gia vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, để bảo toàn và củng cố lực lượng cách mạng tạm thời rút lên vùng núi; lực lượng Cảnh sát đã bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Ty, phục vụ công tác bảo vệ, xây dựng cơ sở, chiến khu, phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài.

Tháng 3/1947, Tỉnh ủy quyết định xây dựng chiến khu Hòa Mỹ, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Ty Công an Thừa Thiên, lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra canh gác, bảo vệ chiến khu; tham gia công tác trừ gian, diệt tề; tổ chức xây dựng trại giam tại chiến khu để giam giữ, giáo dục phạm nhân.

Được sự chỉ đạo và bổ sung lực lượng của Công an Liên khu IV, Công an Thừa Thiên từ tỉnh đến huyện, xã được củng cố và hoàn thiện, phát triển thêm mạng lưới cơ sở quần chúng, nhất là vào các cơ quan quan trọng của địch. Lực lượng Cảnh sát cũng được củng cố kiện toàn, bảo đảm công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong thời chiến (có nhiệm vụ giữ trật tự ở các chợ kháng chiến vùng ven thị, kiểm soát các cửa ngõ ra vào vùng nội thị; bảo vệ các tuyến đường, bảo đảm an toàn các đoàn dân công vận chuyển từ đồng bằng lên chiến khu; phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ kho tàng, các cuộc hành quân, trú quân; bảo vệ cơ quan, cán bộ lãnh đạo, bảo vệ quần chúng nhân dân khi có địch càn, ổn định trật tự, trị an…).

Ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, Công an liên khu IV, Ty Công an Thừa Thiên gấp rút tổ chức cho cán bộ nhân viên tập kết ra miền Bắc, đồng thời chọn một số cán bộ tiếp tục ở lại chiến trường miền Nam phục vụ nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền: miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào do quân đội Pháp kiểm soát; miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, từng bước tiến lên xã hội chủ nghĩa, làm hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ tìm cách hất cẳng Pháp trực tiếp từng bước áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam. Trước tình hình mới, Đảng chủ trương chuyển hướng lãnh đạo cách mạng miền Nam, củng cố tổ chức Đảng theo nguyên tắc tinh gọn, bí mật phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Số cán bộ Công an được chọn ở lại hình thành bộ phận địch tình đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, chủ yếu làm công tác phái khiển, góp phần phát triển và bảo vệ phong trào, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Tháng 9/1962, Tỉnh ủy chủ trương cần phải kiện toàn, củng cố tổ chức an ninh (công an); cử đồng chí Trần Mạnh Cát - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách an ninh, đồng thời chỉ định đồng chí Nguyễn Ngọc Hậu làm Phó ban An ninh tỉnh.

Từ giữa năm 1962, Bộ Công an tăng cường cán bộ nghiệp vụ cho địa bàn Thừa Thiên, lực lượng Công an được củng cố và tăng cường, nhiệm vụ của lực lượng Công an lúc này là nắm tình hình địch, bảo vệ an toàn căn cứ địa miền núi, tuyển chọn, huấn luyện người làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Tỉnh ủy. Công an tỉnh chỉ đạo An ninh các huyện và phân công cán bộ về các huyện, xã tham gia phá kìm, đánh địch để tạo điều kiện xây dựng cơ sở nội tuyến, củng cố, tăng cường lực lượng tại chỗ phục vụ phát triển phong trào cách mạng sau này.

Từ những năm 1960, cách mạng miền Nam có bước phát triển vượt bậc, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, lấy Kế hoạch bình định, gom dân, lập ấp chiến lược làm quốc sách hàng đầu, nhằm tách dân ra khỏi cách mạng, tiến hành xây dựng các tổ chức phản động, điên cuồng chống phá cách mạng. Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của lực lượng Công an tỉnh nói chung, Cảnh sát nói riêng phải tăng cường công tác điều tra, nghiên cứu nắm tình hình, âm mưu, tổ chức hoạt động của bọn phản cách mạng... khẩn trương tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản, xây dựng mạng lưới bí mật, thực hiện một số biện pháp quản lý hành chính công khai, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội. Trước tình thế của chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tổng tấn công nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam. Trên mặt trận chính, thực hiện phân công của Ban chỉ đạo chiến trường, lực lượng Công an có mặt trong tất cả các cánh, các mũi tiến công cùng với các lực lượng khác thọc sâu, đánh chiếm các mục tiêu trọng điểm trong thành phố Huế. Thắng lợi của cuộc Tổng tấn công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần đánh sập bộ máy ngụy quyền từ cơ quan đầu não ở vùng, tỉnh đến tận cơ sở. Bằng chiến công của mình, Công an Thừa Thiên đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh nhà làm nên chiến công vang dội, xứng đáng với vinh dự được đón nhận 8 chữ vàng của Trung ương cục và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của lực lượng Công an Thừa Thiên Huế trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, qua đó cũng  khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát Thừa Thiên Huế trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Sau thất bại nặng nề của chiến  dịch Mậu Thân, Mỹ thay đổi chiến lược, từ “chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Trên chiến trường Thừa Thiên Huế, địch điên cuồng phản kích, càn quét, lực lượng cách mạng nói chung, Công an Thừa Thiên Huế nói riêng chịu nhiều tổn thất, đứng trước những thử thách khốc liệt và cũng là lúc cuộc chiến đấu bước vào giai đoạn quyết liệt, căng thẳng nhất. Chiến công của quân và dân hai miền Nam - Bắc trong năm 1972 đã tạo ra cục diện mới cho cách mạng, nhiều vùng giải phóng được mở rộng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, tạo ra cục diện có lợi cho cách mạng miền Nam. Lực lượng Công an Thừa Thiên Huế tập trung tăng cường sức mạnh của vùng căn cứ mới giải phóng, đẩy mạnh đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Pa-ri, phá kế hoạch bình định của địch, xây dựng địa bàn hành lang và lực lượng bí mật, chuẩn bị đón nhận thời cơ mới.

Trong những năm 1973-1975, trên cơ sở tình hình thực tiễn phát triển của cuộc kháng chiến ở chiến trường Trị Thiên Huế, lực lượng Công an triển khai nhanh lực lượng về đồng bằng, vùng giáp ranh để phát triển cơ sở và lực lượng, tổ chức công tác nắm tình hình, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Công an xã, thôn, xây dựng và phát triển lực lượng du kích, trừ gian diệt ác hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, giành dân, giành quyền làm chủ, chuẩn bị cho nhiệm vụ lịch sử đón nhận thời cơ giải phón miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 26/3/1975, quê hương Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Lực lượng Cảnh sát Thừa Thiên Huế khẩn trương triển khai những biện pháp quản lý trật tự xã hội góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách của vùng mới giải phóng, thực hiện 6 thông cáo của Ủy ban Quân quản về giữ gìn trật tự an ninh; thu nộp vũ khí, chất nổ; khai báo hộ khẩu... lấy đó làm nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của toàn lực lượng trong năm đầu sau giải phóng.

Với vai trò nòng cốt, lực lượng Cảnh sát Thừa Thiên Huế đã góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, loại trừ bọn tội phạm nguy hiểm, truy bắt các băng đảng cướp, trộm cắp, phá các tụ điểm tệ nạn xã hội, điều tra khám phá kết luận nhanh và xét xử các vụ trọng án, củng có niềm tin của nhân dân vào chế độ mới.

Thực hiện Nghị quyết 245-NQ/TW ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị, Công an tỉnh Bình  Trị Thiên được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công an các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh. Ngay sau khi hợp nhất, chính quyền và lực lượng Công an đã phải đối phó với bọn phản động câu kết chống phá cách mạng. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, Ty Công an chỉ đạo các mặt công tác: bảo vệ nội bộ, bảo vệ Đảng, phòng chống nội gián làm trong sạch các tổ chức cơ quan, đoàn thể xã hội trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong việc củng cố và tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị. Liên tiếp trong các năm 1977, 1978, 1979 Công an Bình Trị Thiên đã điều tra, phát hiện và mở các chuyên án đấu tranh quyết liệt bắt xử lý hàng trăm tên trong các tổ chức phản động “Mặt trận Thống nhất dân quân phục quốc”, “Mặt trận phục quốc Trị Thiên”, “Mặt trận Thanh niên Việt Nam yêu nước”, “Mặt trận quốc gia kháng chiến chống cộng”… do bọn ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động không chịu cải tạo, âm mưu phục hồi chế độ cũ.

Những năm của thập niên 80, trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hết sức khó khăn, các thế lực thù địch tiến hành kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, lực lượng Công an Bình Trị Thiên nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Bộ Công an đã kiên quyết và chủ động đấu tranh đập tan các âm mưu, hành động, thủ đoạn phá hoại, gây rối, gây bạo loạn, đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời sẵn sàng ứng phó thắng lợi với tình huống chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn.

Ngày 12/6/1981, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 250/NĐ-HĐCP về “Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ”, ngày 28/7/1981 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 42-QĐ/BNV quyết định tổ chức bộ máy của Công an Bình Trị Thiên. Ty Công an Bình Trị Thiên được đổi thành Công an Bình Trị Thiên với 2 Ban Chỉ huy An ninh và Chỉ huy Cảnh sát và các phòng, ban trực thuộc.

Trong tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tình trạng người vượt biển trốn ra nước ngoài diễn ra hết sức phức tạp, dưới sự lãnh chỉ đạo của các cấp, lực lượng Cảnh sát phối hợp với các lực lượng khác xác lập nhiều chuyên án, điều tra phát hiện các tổ chức câu móc, nhen nhóm vượt biển, tham mưu xử lý nghiêm đối với bọn chủ mưu cầm đầu tổ chức, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn bao che, bán bến bãi cho người vượt biển... Phối hợp với các lực lượng giải quyết tình hình ở một số xã trọng điểm thường xảy ra vượt biển; tham mưu cho Thường vụ Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo những chính sách và giải pháp mang tính kinh tế - xã hội rộng lớn nhằm giải quyết có hiệu quả nạn vượt biển trốn ra nước ngoài. Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức nhiều đợt truy quét, tấn công trấn áp mạnh mẽ vào các loại tội phạm hình sự; phối hợp cùng các lực lượng nghiệp vụ điều tra khám phá hàng trăm vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, hàng trăm băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm bị triệt phá, trong đó có nhiều băng cướp nổi tiếng trên địa bàn Huế, Quảng Trị trước ngày giải phóng như: băng cướp “Năm lửa”, băng do “tướng cướp” nổi tiếng Hoàng Hà cầm đầu; băng cướp do tên Phạm Đình Nghĩa, Nguyễn Thanh Hà cùng đồng bọn gây ra hàng chục vụ cướp trên địa bàn và dùng súng bắn trả khi bị lực lượng công an truy bắt. Toà án đã kết án tử hình tên Nghĩa...

Ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị ra Quyết định số 87-QĐ/TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sau khi tái lập lại tỉnh Thừa Thiên Huế, trước sự diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và đất nước, Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quán triệt cho toàn thể cán bộ chiến sỹ tư tưởng “phải kiên quyết chống các lực lượng phản động các mầm mống đa nguyên chính trị, đa đảng, dân chủ cực đoan ngay từ khi chúng mới nhen nhóm”. Phục vụ chủ trương phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lực lượng Công an đã tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trên các lĩnh vực mở rộng quan hệ hợp tác và hữu nghị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch... Giữa năm 1991, lực lượng Cảnh sát đã phối hợp với các ngành chức năng, điều tra, phát hiện nhiều vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Dưới sự lãnh chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát đã điều tra, kết luận nhanh nhiều vụ án, kịp thời, đạt tỷ lệ cao trong các vụ trọng án hình sự nguy hiểm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Tháng 11 năm 1999, địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra trận lũ lụt lịch sử lớn nhất trong hơn 100 năm qua, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng (345 người chết và mất tích, thiệt hại về cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước lên tới 1.762 tỷ đồng) phải nhiều năm sau mới có thể khắc phục được. Trong cơn lũ lụt, cán bộ chiến sỹ Công an Thừa Thiên Huế nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng đã nêu cao ý thức trách nhiệm “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản của mình, của gia đình để chống lũ, cứu nạn cho nhân dân. Trong gần một tuần lễ, lực lượng Công an đã di chuyển 13.200 người tư vùng ngập lụt đến vùng cao, cứu vớt 650 người trong tình trạng nước lũ đe dọa đến tính mạng. Ngay sau khi lũ xuống, Công an Thừa Thiên Huế đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện dể vận chuyển hàng hóa đi cứu trợ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa bị ngập nặng. Hàng trăm đoàn viên thanh niên về giúp dân dựng nhà, tu sửa trường học giải quyết vệ sinh môi trường. Chính trong những thử thách, gian nan, phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ Cảnh sát nhân dân càng ngời sáng. Những nỗ lực vượt qua khó khăn, những tấm gương không quản nguy hiểm, hết lòng vì nhân dân của lực lượng Công an Thừa Thiên Huế trong cơn lũ lịch sử đã được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao và được Nhân dân khen ngợi, tin yêu.

Những năm đầu thế kỷ XXI, trên con đường thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thừa Thiên Huế đứng trước thời cơ, vận hội mới, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức mới. Do vị trí và đặc điểm địa bàn, Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trọng điểm mà các thế lực thù địch đột phá trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng lợi dụng những vấn đề nhạy cảm trên tất cả các lĩnh vực tôn giáo, tư tưởng, văn hóa, những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, một số mâu thuẫn trong nội bộ... để kích động gây rối chính trị. Để đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới gay go và quyết liệt, lực lượng Cảnh sát Thừa Thiên Huế đã thể hiện bản lĩnh nghiệp vụ vững vàng, không ngừng nâng cao cảnh giác, tập trung phòng ngừa và đấu tranh mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục vào bọn tội phạm, làm giảm trọng án, kiềm chế tai nạn giao thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý trật tự, an toàn xã hội góp phần đắc lực phục vụ những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 Đặc biệt, trên lĩnh vực đấu tranh, phòng chống tội phạm, gần đây Công an Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ, Bộ Công an liên tục phá nhiều chuyên án tội phạm phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, lừa đảo có yếu tố nước ngoài, tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Nổi bật: triệt phá nhiều chuyên án, vụ án lớn được Bộ Công an, UBND tỉnh đánh giá cao và biểu dương khen ngợi như: phá chuyên án chuyên án 1216C - nhanh chóng điều tra truy xét vụ Cướp ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Nội Huế; chuyên án “520L” bắt 11 đối tượng quốc tịch Nigeria cấu kết các đối tượng trong nước lừa đảo xuyên quốc gia qua mạng Internet, chiếm đoạt 120 tỉ đồng; chuyên án 342G phá đường dây tội phạm do đối tượng Phạm Tấn Huy cầm đầu có hơn 30 đối tượng tham gia, trực tiếp thực hiện hành vi làm giả hơn 20.000 các loại giấy tờ, tài liệu giả và chuyển cho người đặt mua trên địa bàn toàn quốc, thu lợi bất chính với số tiền hơn 30 tỉ đồng, thu giữ hơn 100 mẫu con dấu của các cơ quan, tổ chức, xác định có khoảng 10.000 cá nhân trên địa bàn bàn toàn quốc đã đặt mua để sử dụng các loại giấy tờ giả; phá chuyên án 919M triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy trái phép thu 29.898 viên ma túy tổng hợp với tổng trọng lượng 9,697kg; chuyên án 119TT thu giữ hơn 14 ngàn viên ma túy; chuyên án 412H  về hành vi vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động tín dụng tại phòng giao dịch Trường Tiền thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế Việt nam (chi nhánh Huế), đã khởi tố 3 đối tượng chiếm đoạt gây thiệt hại cho ngân hàng 52 tỷ đồng; chuyên án 221Đ về hành vi vi phạm trong việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; vi phạm qui định về đền bù giải phóng mặt bằng tại Thành phố Huế và thị xã Hương Trà xử lý 42 đối tượng làm giả hàng trăm ngôi mộ để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng…

Trên lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội nổi bật là đã thực hiện Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD, nỗ lực phấn đấu, triển khai hiệu quả “chiến dịch” cấp căn cước công dân, làm việc khoa học, tập trung nhân lực, tận dụng tối đa hiệu suất của các bộ thiết bị thu nhận hồ sơ căn cước công dân, với nguyên tắcGần làm đêm, xa làm ngày; dễ làm trước, khó làm sau; tập trung trước, phân tán sau; người nghỉ, máy không nghỉ”; nỗ lực nâng cao tiến độ thực hiện “chiến dịch” cấp CCCD so với toàn quốc, vươn lên “tốp 3” địa phương trong cả nước dẫn đầu về hiệu suất thu nhận hồ sơ CCCD, được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát Công an tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác công an, kiểm soát quản lý chặt chẽ cư trú, quản lý người nước ngoài, phối hợp các lực lượng liên quan phát hiện, xác minh, tìm kiếm, giám sát, cách ly đối với người nhiễm, nghi nhiễm dịch Covid-19 hạn chế dịch bệnh lây lan trên địa bàn; tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại các khu cách ly tập trung; tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật đảm bảo ANTT, góp phần làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, được Lãnh đạo các cấp và quần chúng nhân dân tin tưởng, khen ngợi...

Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ngày càng khó khăn, phức tạp. Cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an Thừa Thiên Huế phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tận tụy phục vụ nhân dân và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân, để lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng, lực lượng Công an Thừa Thiên Huế nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ- Công an tỉnh

[1] Thực hiện Nghị định số 121/NĐ của Bộ Nội vụ, Ty Trinh sát Thừa Thiên đổi thành Ty Công an Thừa Thiên.

 

Hồ Quỳnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 125.186
Truy cập hiện tại 292